Vượt qua hơn 2.000 đội thi, 20 nhóm có sáng kiến công nghệ được đánh giá cao nhất sẽ bước vào chung kết Solve for Tomorrow tuần này.
Sau 7 tháng tổ chức với hơn 2.000 đội tham dự, chung kết Solve for Tomorrow sẽ diễn ra chiều 26/10 tại Hà Nội. Trong đó, 10 đội cao điểm nhất sẽ tham gia tranh giải Nhất - Nhì - Ba và 10 đội còn lại đạt giải Triển vọng sẽ giới thiệu về mô hình sản phẩm để tranh giải Tiềm năng của cuộc thi.
Danh sách các đội tranh Nhất - Nhì - Ba và 10 đội đoạt giải triển vọng
Chặng đường của 20 nhóm được ví như "hành trình từ nụ đến hoa". Từ ý tưởng ban đầu như "nụ nhỏ", các đội đã nỗ lực để tạo ra "bông hoa" là các sản phẩm công nghệ sáng tạo nhằm góp phần giải quyết những vấn đề cuộc sống. Trong số này có nhiều đội ghi dấu ấn lớn ở các vòng trước đó như Innovative Youngster, SafeByte, Trash Trooper, Supernova.
Để chiến thắng hơn 2.000, nhiều thí sinh trong top 20 cho biết đã có những buổi làm việc nhóm căng thẳng với cả nước mắt và nụ cười, trải qua những thử thách tưởng chừng không thể vượt qua.
"Chúng em tìm đến những khóa học online để xây dựng nền tảng, nhưng chủ yếu vẫn là tinh thần làm đến đâu, học đến đấy. Trong quá trình làm có gì không hiểu, chúng em tự tra cứu trên mạng để xác định cần áp dụng công thức gì, công nghệ gì nhằm giải quyết vấn đề", Lê Minh Lộc, thành viên đội Supernova, nhóm phát triển ứng dụng theo dõi và bảo vệ phụ nữ và trẻ em, cho biết. "Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn tài liệu rất khó khăn vì thông tin trên mạng không phải lúc nào cũng đầy đủ".
Còn 5 ngày trước trận chung kết, các nhóm chia sẻ cảm xúc hồi hộp, phấn khích và lạc quan, với kỳ vọng có thể truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khác tiếp tục "kiến tạo tương lai" bằng tình yêu khoa học công nghệ.
Một đội thi Solve for Tomorrow 2024
Với vai trò giám khảo, tiến sĩ Phùng Công Phi Khanh, Trưởng bộ môn Công nghệ Điện - Điện tử thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội, đánh giá các đội thi có phong thái chuyên nghiệp, tinh thần đồng đội, đáp ứng tiêu chuẩn thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học với các sản phẩm hoàn thiện ở mức từ tốt đến rất tốt.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Yến, giảng viên Khoa Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết sản phẩm của 20 đội thi có tính ứng dụng cao, được nâng cấp nhiều so với vòng thi trước, có tiềm năng mở rộng trong tương lai, cũng như có thể ứng dụng thành công trong thực tiễn.
Solve for Tomorrow được Samsung toàn cầu khởi xướng vào năm 2010 tại Mỹ. Ở Việt Nam, chương trình được tổ chức từ 2019 và trở thành cuộc thi tư duy sáng tạo thường niên cho học sinh lứa tuổi 12-18. Sau 15 năm, Solve for Tomorrow khuyến khích sáng tạo, đổi mới công nghệ cho 2,6 triệu học sinh trên thế giới.
Tại Việt Nam, sau 5 năm tổ chức, chương trình công nghệ này thu hút 300.000 học sinh và giáo viên đăng ký, nhận về 5.200 bài dự thi, nhiều dự án thực tiễn của học sinh được đưa vào đời sống. Đại diện ban tổ chức cho biết bên cạnh việc khuyến khích các giải pháp công nghệ hỗ trợ cuộc sống cho nhóm người yếu thế, cuộc thi còn được thiết kế nhằm trao quyền cho thế hệ trẻ, thúc đẩy sự đóng góp cho cộng đồng.
Theo đại diện Samsung, công nghệ đã hiện diện khắp nơi, chuyển đổi số cũng diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Tuy nhiên, còn nhiều khía cạnh công nghệ chưa chạm đến một cách sâu rộng như môi trường, sức khỏe, người yếu thế. Thế hệ trẻ có thể tìm ra giải pháp mới để tiếp cận nhóm này.
Thông qua sáng kiến đổi mới sáng tạo, đào tạo kiến thức, hỗ trợ thiết bị công nghệ, hỗ trợ triển khai thực tế cho các dự án của học sinh, Samsung cho biết mong muốn trở thành vườn ươm "người khổng lồ tý hon", dùng công nghệ số để giải quyết các vấn đề của từng địa phương, cộng hưởng tạo nên thay đổi cho xã hội.